Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ - pttht.cucthuebdi@gmail.com | 11.05.2023 04:22
Kính thưa Cục thuế.
Vừa qua trong năm 2022, công ty chúng tôi có kí hợp đồng gia công với công ty A; và có tạm ứng theo hợp đồng 150 triệu. Nhưng sau đó công ty A không làm hàng gia công như hợp đồng ban đầu đã kí kết. Công ty này trên Gia Lai, công ty chúng tôi ở Bình Định.
Sau này mới biết công ty A đã giải thế. Như vậy, xin hỏi cục thuế trong trường hợp này số tiền 150 triệu chúng tôi xem như mất trắng đó có được đưa vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế hay không? Và cần chứng từ gì kèm theo để được đưa vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Trân trọng,
Vấn đề người nộp thuế hỏi, Phòng TTHT của Cục Thuế Bình Định có ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:"Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
Ví dụ 7: Tháng 8 năm 2014 doanh nghiệp A có mua hàng hóa đã có hóa đơn và giá trị ghi trên hóa đơn là 30 triệu đồng nhưng chưa thanh toán. Trong kỳ tính thuế năm 2014, doanh nghiệp A đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với giá trị mua hàng hóa này. Sang năm 2015, doanh nghiệp A có thực hiện thanh toán giá trị mua hàng hóa này bằng tiền mặt do vậy doanh nghiệp A phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kỳ tính thuế năm 2015).
....."
Căn cứ quy định các quy định, trường hợp đơn vị đã nêu trên không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật nên không được đưa vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN./.