1.Tôi mua nón để trong phòng villa của một cá nhân ở Hà Nội, họ làm hàng thủ công không có Giấy phép kinh doanh không thể xuất hóa đơn, vậy căn cứ vào hợp đồng kinh tế và bảng kê hang hóa mua vào tôi có thể hạch toán nón này vào chi phí hợp lý không? Trị giá đơn hang 95tr/năm.
2.Công ty tôi có thuê nhà cho chuyên gia ở 16 triệu đồng/tháng, nhưng chủ không thể xuất hóa đơn được, vậy căn cứ vào hợp đồng thuê nhà tôi có thể hạch toán chi phí được không?
3.Hàng tiêu dùng nội bộ hoặc bán cho nhân viên sẽ xuất hóa đơn và ghi nhận doanh thu, VAT như hàng bán ra thông thường. Còn hàng biếu tặng không thu tiền, xuất hóa đơn ghi rõ hàng biếu tặng không thu tiền, và không ghi nhận doanh thu chỉ ghi nhận VAT đúng không ah?
4.Thuế TNCN của chuyên gia họ làm từ M11.2019 đến hiện tại, vậy tôi sẽ quyết toán TNCN năm đầu tiên đủ 365 ngày, xuất biên lai thuế từ M11+12.2019 và M01 đến 11.2020. Và M12.2020. Tôi sẽ quyết toán 365 ngày của chuyên gia vào M11.2020. Đến T12.2020 tôi sẽ quyết toán 2020 cho chuyên gia như sau:
Trừ phần khấu trừ M01->M11.2020, và M12.2020 với phần thuế TNCN tính tròn 2020 phài không ah?
admin - 03.03.2022 03:11
1.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN):
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
… … …
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.
… … …
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
- Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
… … …”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty CP Khu du lịch Biển Maia Quy Nhơn (Cty Maia) mua nón của cá nhân sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra để phục vụ cho hoạt động kinh doanh lưu trú của đơn vị, nếu sản phẩm nón được làm thủ công từ các nguyên liệu nêu trên hoặc mua nón bằng chất liệu khác của cá nhân có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT (100 triệu đồng/năm), thì Cty Maia được lập Bảng kê (theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) kèm theo chứng từ thanh toán để hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
2. - Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN);
- Căn cứ Điều 8 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính quy định về khấu trừ thuế, khai thuế, nộp thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp đầu năm 2021 Cty Maia ký hợp đồng thuê nhà cho chuyên gia nước ngoài ở, mức thuê 16 triệu đồng/tháng thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, Thu nhập cá nhân từ hoạt động cho thuê nhà. Đơn vị đề nghị cá nhân cho thuê nhà liên hệ với Chi cục Thuế nơi có nhà cho thuê để kê khai, nộp thuế. Trường hợp trong hợp đồng thuê có thỏa thuận bên đi thuê nộp thuế thay, thì đơn vị có trách nhiệm khấu trừ thuế, khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân cho thuê bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp thuê tài sản của cá nhân để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
3.
- Căn cứ khoản 1, Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính quy định xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp:
“Điều 5. Doanh thu
1. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
… … …”;
- Căn cứ Điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 (Thông tư 119) của Bộ Tài chính quy định cách xác định doanh thu để tính thuế đối với một số trường hợp:
“Điều 6. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“b) Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi (không bao gồm hàng hoá, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có chức năng sản xuất phụ tùng ôtô và lắp ráp ôtô. Doanh nghiệp A dùng sản phẩm lốp ôtô do doanh nghiệp sản xuất để trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoặc dùng lốp ôtô để tiếp tục lắp ráp thành ôtô hoàn chỉnh thì trong trường hợp này sản phẩm lốp ôtô của doanh nghiệp không phải quy đổi để tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ: Doanh nghiệp B là doanh nghiệp sản xuất máy tính. Trong năm doanh nghiệp B có xuất một số máy tính do chính doanh nghiệp sản xuất cho cán bộ công nhân viên để dùng làm việc tại doanh nghiệp thì các sản phẩm máy tính này không phải quy đổi để tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.”;
- Căn cứ khoản 9, Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính quy định lập hóa đơn khi biếu, tặng hàng hóa, dịch vụ.
“9. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.4 Phụ lục 4 như sau:
“2.4. Sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu, cho, biếu, tặng đối với tổ chức kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
a) Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của pháp luật về thuế GTGT.
Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động thì phải lập hoá đơn GTGT (hoặc hoá đơn bán hàng), trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.”
Căn cứ các quy định trên và theo trình bày của đơn vị, thì:
- Trường hợp đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ cho nhân viên, hàng tiêu dùng nội bộ, thì đơn vị lập hóa đơn, ghi nhận doanh thu và kê khai thuế GTGT bán ra theo quy định.
- Đối với hàng biếu, tặng cho khách hàng, đơn vị lập hóa đơn GTGT, trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.
Riêng việc hạch toán doanh thu đối với hàng biếu, tặng không thu tiền, đơn vị hạch toán theo chuẩn mực kế toán hiện hành.
4.
Căn cứ điểm e, khoản 2, Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính quy định nguyên tắc quyết toán thuế TNCN đối với một số trường hợp:
e) Nguyên tắc khai thuế, quyết toán thuế đối với một số trường hợp như sau:
e.1) Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.
e.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công trong trường hợp số ngày có mặt tại Việt Nam tính trong năm dương lịch đầu tiên là dưới 183 ngày, nhưng tính trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam là từ 183 ngày trở lên.
- Năm tính thuế thứ nhất: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày tính đủ 12 tháng liên tục.
- Từ năm tính thuế thứ hai: khai và nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Số thuế còn phải nộp trong năm tính thuế thứ 2 được xác định như sau:
Số thuế còn phải nộp năm tính thuế thứ 2
=
Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2
-
Số thuế tính trùng được trừ
Trong đó:
Số thuế phải nộp của năm tính thuế thứ 2
=
Thu nhập tính thuế của năm tính thuế thứ 2
×
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân theo Biểu lũy tiến từng phần
Số thuế tính trùng được trừ
=
Số thuế phải nộp trong năm tính thuế thứ nhất
×
Số tháng tính trùng
12
Ví dụ 17: Ông S là người nước ngoài lần đầu tiên tới Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ ngày 01/6/2014 đến 31/5/2016. Năm 2014, ông S có mặt tại Việt Nam 80 ngày và phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công là 134 triệu đồng. Năm 2015, ông S có mặt tại Việt Nam trong thời gian từ 01/01/2015 đến hết ngày 31/5/2015 là 110 ngày và phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công là 106 triệu đồng; từ ngày 01/6/2015 đến 31/12/2015, ông S có mặt tại Việt Nam là 105 ngày và phát sinh thu nhập từ tiền lương, tiền công là 122 triệu đồng. Ông S không đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và không phát sinh các khoản đóng góp bảo hiểm, từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Số thuế thu nhập cá nhân của Ông S phải nộp được xác định như sau:
+ Nếu tính theo năm 2014, Ông S là cá nhân không cư trú, nhưng tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày 01/6/2014 đến hết ngày 31/5/2015, tổng thời gian ông S có mặt tại Việt Nam là 190 ngày (80 ngày + 110 ngày). Vì vậy, ông S là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
+ Năm tính thuế thứ nhất (từ ngày 01/6/2014 đến ngày 31/5/2015):
- Tổng thu nhập chịu thuế trong năm tính thuế thứ nhất:
134 triệu đồng + 106 triệu đồng = 240 triệu đồng
- Giảm trừ gia cảnh: 9 triệu đồng x 12 = 108 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế: 240 triệu đồng - 108 triệu đồng = 132 triệu đồng
- Thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm tính thuế thứ nhất: 60 triệu đồng × 5% + (120 triệu đồng - 60triệu đồng) × 10% + (132 triệu đồng - 120 triệu đồng) × 15% = 10,8 triệu đồng
+ Năm tính thuế thứ hai (từ 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2015): Ông S có mặt tại Việt Nam 215 ngày (110 ngày + 105 ngày) là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
- Thu nhập chịu thuế phát sinh trong năm 2015:
106 triệu đồng + 122 triệu đồng = 228 triệu đồng
- Giảm trừ gia cảnh : 9 triệu đồng x 12 = 108 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế năm 2015:
228 triệu đồng – 108 triệu đồng = 120 triệu đồng
- Thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2015:
(60 triệu đồng × 5%) + (120 triệu đồng – 60 triệu đồng) × 10% = 9 triệu đồng
+ Quyết toán thuế năm 2015 có 5 tháng tính trùng với quyết toán thuế năm thứ nhất (từ tháng 01/2015 đến tháng 05/2015)
- Số thuế tính trùng được trừ :
(10,8 triệu đồng/12 tháng) x 5 tháng = 4,5 triệu đồng.
- Thuế thu nhập cá nhân còn phải nộp năm 2015 là :
9 triệu đồng – 4,5 triệu đồng = 4,5 triệu đồng
Căn cứ các quy định trên, trường hợp cá nhân người nước ngoài lần đầu tiên đến làm việc tại Việt Nam từ T11/2019 đến nay, thì kỳ quyết toán thuế năm đầu tiên là 12 tháng (từ T11/2019 đến T10/2020); kỳ quyết toán thuế năm tiếp theo là từ T11-T12/2020; cách xác định thuế TNCN phải nộp của từng năm, đơn vị thực hiện theo nguyên tắc trên./.